Điểm nhấn Đại hội cổ đông năm 2022
Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với GAS, với giá mục tiêu 1 năm duy trì ở mức 134.000 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 16,2%). Mặc dù chúng tôi nâng giả định kịch bản cơ sở cho giá dầu Brent từ 80 USD/thùng lên 90 USD/thùng (hay giá dầu nhiên liệu từ 430 USD/tấn lên 490 USD/tấn), chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính sản lượng khí để phản ánh thực tế giá dầu cao có thể ảnh hưởng giảm nhu cầu.
Theo đó, chúng tôi ước tính sản lượng khí khô đạt 8,1 tỷ m3 (+12% so với cùng kỳ, từ ước tính trước đây là 8,5 tỷ m3). Do đó, ước tính doanh thu và LNST gần như không thay đổi lần lượt là 88,6 nghìn tỷ đồng (+15,7% so với cùng kỳ) và 11,56 nghìn tỷ đồng (+34,9% so với cùng kỳ).
Rủi ro giảm chính đối với khuyến nghị của chúng tôi bao gồm sản lượng khí khô yếu hơn dự kiến và giá nhiên liệu thấp hơn dự kiến.
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ do GAS tổ chức ngày 15/4/2022. Công ty đặt kế hoạch đạt 80 nghìn tỷ đồng doanh thu (+1,3% so với cùng kỳ) và 7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng (-20,5% so với cùng kỳ) dựa trên giả định giá dầu Brent là 60 USD/thùng, theo quan điểm của chúng tôi là quá thận trọng.
Tính từ đầu năm, giá dầu Brent bình quân ở mức 101 USD/thùng, trong khi giá dầu mazut bình quân ở mức 549 USD/tấn. GAS đặt kế hoạch sản lượng khí khô là 9 tỷ m3 (+26% so với cùng kỳ) và 2 triệu tấn LPG đối với công ty mẹ.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết giá dầu cao như hiện nay có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu khí đốt, dẫn đến sản lượng thực tế thấp hơn so với kế hoạch đặt ra. Cổ tức tiền mặt cho năm 2021 được thông qua với tỷ lệ 30% (tỷ suất cổ tức là 2,5%). Năm 2022, công ty đặt kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt là 25%.
Ước tính KQKD Q1: Doanh thu ước đạt 25,3 nghìn tỷ đồng (+43,4% so với cùng kỳ) và LNTT đạt trên 3 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 15% so với cùng kỳ) – phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Sản lượng khí khô trong Q1 đạt 1,9 tỷ m3 (đi ngang so với cùng kỳ), trong khi sản lượng LPG đạt 545 nghìn tấn (+15% so với cùng kỳ).
Tác động của giá dầu: Ban lãnh đạo đã trao đổi về tác động của biến động giá dầu. Theo đó, nếu giá dầu thô Brent tăng/giảm 5 USD, doanh thu và LNTT của GAS sẽ tăng/giảm lần lượt 1,5 nghìn tỷ đồng và 500 tỷ đồng, phù hợp như tính toán của chúng tôi.
Cập nhật dự án: Ban lãnh cũng đã trao đổi về chiến lược giai đoạn 2021-2025, trong đó GAS đặt mục tiêu giữ vị trí độc quyền trên thị trường khí khô, duy trì 70% thị phần LPG và trên 50% thị phần mảng LNG. Lô khí LNG nhập khẩu đầu tiên sẽ vào tháng 11/2022, khi dự án LNG Thị Vải bắt đầu hoạt động. Dự án Block B-Ô Môn (trong đó GAS nắm 51% cổ phần đường ống) dự kiến sẽ nhận được quyết định đầu tư vào giữa năm 2022.
Bên cạnh việc đầu tư vào các cơ sở sản xuất LNG, trong tương lai GAS sẽ tập trung sâu hơn vào chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm khí giá trị gia tăng hơn (như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hóa dầu). Ban lãnh đạo cũng chia sẻ định hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo trong dài hạn.