KHẢ QUAN – Giá mục tiêu 1 năm: 40.000 Đồng/cp
Duy trì đà tăng trưởng mạnh trong 2022 Chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm đối với MBB lên 40.000 đồng/cp (từ 35.200 đồng/cp), và nhắc lại khuyến nghị KHẢ QUAN. Việc điều chỉnh tăng giá mục tiêu phản ánh triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ trong 2022 khi bộ đệm tín dụng của MBB đã cải thiện đáng kể tại thời điểm cuối năm 2021.
Chúng tôi ước tính MBB đạt 22,3 nghìn tỷ đồng (+35% YoY) lợi nhuận trước thuế 2022, nhờ tăng trưởng tín dụng cao (+25,6%) và áp lực dự phòng giảm (-22% YoY). Nếu những giả định của chúng tôi là đúng, ROE 2022 của MBB sẽ đạt 26,3% – mức cao thứ 2 trong toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương tự.
Bảng: Các chỉ tiêu chính
Tổng quan Q4/2021 MBB đạt kết quả kinh doanh Q4/2021 vượt kỳ vọng. Thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế tăng +31% và +81% YoY, đạt 10 nghìn tỷ đồng và 4,6 nghìn tỷ đồng xuất phát từ tất cả các mảng hoạt động chính. Điểm sáng cho Q4/2021 theo quan điểm của chúng tôi là bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng cải thiện mạnh mẽ và CASA tiếp tục tăng. Lũy kế cả năm 2021, LNTT đạt 16,5 nghìn tỷ đồng – hoàn thành 103% ước tính của chúng tôi và 125% kế hoạch tại ĐHCĐ.
Bảng: Tóm tắt bảng cân đối kế toán (tỷ đồng)
Duy trì cân đối giữa tăng trưởng huy động và tín dụng. Trong Q4/2021, bất chấp LDR tại hầu hết các ngân hàng khác vẫn trong xu hướng tăng, MBB đã đưa LDR về mức ổn định hơn là 90% (từ 94% tại thời điểm cuối Q3/2021), do ngân hàng tăng cường huy động vốn. Tiền gửi khách hàng và chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đạt tăng trưởng mạnh 23,7% và 25% YoY. Ngân hàng cũng phát hành 3,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu tăng vốn Cấp 2, nâng số dư trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm lên 10,7 nghìn tỷ đồng vào cuối năm.
Nguồn vốn huy động này giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng +24,6% YoY (+8,2% QoQ) – nằm trong nhóm cao nhất toàn hệ thống, trong đó: Cho vay cá nhân +8,5% QoQ (+12 nghìn tỷ đồng); Tài chính tiêu dùng (MCredit) +36% QoQ (+4 nghìn tỷ đồng); và Trái phiếu doanh nghiệp +6,8% QoQ (15 nghìn tỷ đồng). Dư nợ cho vay của MCredit tăng trưởng mạnh, trái ngược với xu hướng chung của ngành tài chính tiêu dùng. MCredit giành vị trí thứ 3 về thị phần từ HDSaison. Hầu hết giải ngân khách hàng mới trong kỳ (61%) đến từ khoản vay trả góp thông qua các đối tác thương mại điện tử bán lẻ (Tiki, Shoppee, Lazada, etc.).
Chúng tôi cho rằng tăng trưởng cao của MCredit trong 2021 là do mức nền so sánh thấp và tốc độ tăng trưởng chậm trong giai đoạn tái cơ cấu 2019- 2020. Về cho vay KH doanh nghiệp, dư nợ cho vay tăng tại ngành xây dựng và BĐS (+19% QoQ hay + 5,7 nghìn tỷ đồng), thương mại (+10,9% QoQ hay 8 nghìn tỷ đồng), và năng lượng (+10% QoQ hay 2,8 nghìn tỷ đồng).
NIM ổn định do chi phí vốn không ngừng cải thiện. Tiền gửi khách hàng trong kỳ toàn bộ đến từ CASA trong đó KH cá nhân (+24% QoQ) và KH tổ chức (+35% QoQ). Mặc dù CASA của KH tổ chức tăng một phần do yếu tố mùa vụ, CASA của KH cá nhân tăng ổn định là kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ CASA của KH cá nhân là 35% – cao hơn trung bình toàn hệ thống là 15%. Về giá trị tuyệt đối, chênh lệch CASA của KH cá nhân giữa TCB và MBB dần thu hẹp trong 2021.
Chúng tôi cho rằng điều này là nhờ nỗ lực thu hút khách hàng mới thông qua các sáng kiến thu hút người dùng mới cũng như ứng dụng trên điện thoại di động thân thiện với người dùng. Số lượng khách dùng ứng dụng của MBB tăng gấp 3 so với cùng kỳ đạt 9,3 triệu khách, trong khi số lượng và giá trị giao dịch tăng gấp 4 lần. Tỷ lệ người dùng hoạt động (active rate) cũng cải thiện từ 56% trong 2020 lên 62% trong 2021.
Theo đó, chi phí vốn giảm -22 bps QoQ còn 2,5%, giúp NIM tăng 11bps QoQ lên 5,28%. Cả năm 2021, NIM của MBB đạt 5,04% (+31 bps YoY). Tất cả nguồn thu nhập ngoài lãi đều tăng trưởng mạnh mẽ (+54,5% YoY). Ngoại trừ thu nhập bảo hiểm giảm -110% YoY trong Q4/2021, thu nhập ngoài lãi đạt tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ bao gồm: Dịch vụ thanh toán (108%); Môi giới chứng khoán (151%); Kinh doanh ngoại hối (56%); và Thu hồi nợ xấu (52%).
Chúng tôi cho rằng thu nhập bảo hiểm thuần giảm phần lớn do dự phòng kỹ thuật, do chi phí tăng đột biến lên 2,9 nghìn tỷ đồng trong kỳ (so với mức bình quân 500-600 tỷ đồng trong những quý trước). Lũy kế 2021, thu nhập bảo hiểm thuần vẫn tăng bền vững +24% YoY. Chất lượng tài sản được kiểm soát, với bộ đệm rủi ro tín dụng khá tốt. Rủi ro tín dụng được kiểm soát tại cả ngân hàng mẹ và MCredit. Nợ quá hạn ở mức 1,98% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm (vs. 2,05% tại thời điểm cuối Q3/2021).
Trong khi đó, tổng dự phòng tiếp tục tăng do ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng thường xuyên cao hơn tỷ lệ nợ xấu mới hình thành trong những quý vừa qua. Tất cả các chỉ tiêu đều ở mức tốt, ngay cả khi tính toàn bộ nợ tái cơ cấu là nợ xấu. Tại ngày 31/12/2021, tổng nợ xấu và nợ tái cơ cấu là 8,6 nghìn tỷ đồng, trong khi dự phòng là 8,8 nghìn tỷ đồng. Theo ước tính của chúng tôi, dự phòng cụ thể cho nợ tái cơ cấu là hơn 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 54% tổng dự phòng 2021. Đây có thể là yếu tố tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận 2022 nếu kinh tế phục hồi tốt.
Ước tính lợi nhuận
Kế hoạch của Ban lãnh đạo
Cập nhật 2T2022. Đà tăng trưởng duy trì tốt trong 2 tháng đầu năm 2022. Tăng trưởng tín dụng là 6% YTD và LNTT ngân hàng mẹ đạt 3,5 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch 2022. MBB có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do NHNN cấp. Sau đây là những giả định chính theo kịch bản cơ sở:
• Tăng trưởng tín dụng và huy động là +15% và +6,8% YoY.
• LNTT đạt 19,8 nghìn tỷ đồng (+20% YoY), trong đó:
o MCredit: 1,2 nghìn tỷ đồng (+100% YoY)
o MBAgeas Life: 100 tỷ đồng (-64% YoY)
o MIG: 380 nghìn tỷ đồng (+36% YoY)
o MB Securities: 1,1 nghìn tỷ đồng (+49% YoY)
• ROE 23% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% • CIR duy trì thấp hơn 29% đối với ngân hàng mẹ
• Số lượng KH cá nhân là 13-14 triệu khách. Ước tính của chúng tôi Chúng tôi ước tính MBB sẽ đạt 22,3 nghìn tỷ đồng LNTT (+35% YoY), do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (+25,6%) và áp lực dự phòng giảm (-22% YoY). Cụ thể:
• Tăng trưởng tín dụng và huy động 25,6% và 18,6% YoY. Vị thế vốn của MBB trong 2021 giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 2022 (+25,6% vs. +25% trong 2021). Nếu kinh tế phục hồi, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nói chung và MBB nói riêng sẽ tăng so với 2021. Ngân hàng vẫn còn khả năng tăng LDR, do tăng trưởng huy động ước tính thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
• NIM khá ổn định ở mức 5,1% (+6 bps). Mặc dù cuối 2021, CASA đạt mức cao nhất lịch sử, chúng tôi cho rằng CASA trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42%-44%. CASA vẫn còn dư địa để tiếp tục tối ưu, nhưng MBB có thể tăng huy động vốn dài hạn để duy trì tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở mức tốt hơn. Chúng tôi giả định chi phí vốn sẽ tăng 30 bps lên 2,8%.
• CIR giả định ở mức 33,5% trên cơ sở hợp nhất.
• Chi phí tín dụng ước tính giảm còn 1,83% (vs 2,2% trong 2020 và 2,4% trong 2021), mặc dù vậy vẫn cao hơn trung bình 2015-2019 là 1,76%. Chúng tôi ước tính ROE của MBB năm 2022 có thể đạt 26,3% – mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương. Do đó, chúng tôi cho rằng cổ phiếu xứng đáng được định giá lại. Áp dụng PB mục tiêu là 2x (từ mức hiện tại 1,8x), chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm lên 40.000 đồng/cp (từ 35.200 đồng/cp) và nhắc lại khuyến nghị Khả quan đối với MBB.