Giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng vào ngày thứ Tư (30/11) do các dấu hiệu nguồn cung khan hiếm hơn, đồng USD suy yếu và sự lạc quan nhu cầu Trung Quốc sẽ phục hồi.
Trong khi đó, kìm hãm đà tăng giá dầu, quyết định tổ chức cuộc họp vào ngày 04/12 của OPEC+ hầu như báo hiệu rất ít khả năng thay đổi chính sách, một nguồn tin chia sẻ với Reuters.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent tiến 2.40 USD (tương đương 2.8%) lên 85.43 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.35 USD (tương đương 3.01%) lên 80.55 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt gần 13 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/11, mức lớn nhất kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu sưởi giảm tuần thứ 2 liên tiếp khi bước vào mùa đông, qua đó hạn chế sự hỗ trợ giá dầu.
Dữ liệu của Chính phủ cho thấy vào ngày thứ Hai rằng sản lượng dầu tại Mỹ vọt 2.4% lên 12.27 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, nói với Reuters rằng dự báo sản lượng dầu thô của Nga sẽ bị giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối quý 1 năm 2023.
Nga sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt trần giá, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Về mặt nhu cầu, sự hỗ trợ thêm đến từ sự lạc quan về nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 thấp hơn vào ngày thứ Ba (29/11), trong khi thị trường suy đoán rằng các cuộc biểu tình hồi cuối tuần có thể thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại.
Quảng Châu, một thành phố phía Nam Trung Quốc, đã nới lỏng các quy định phòng ngừa Covid-19 ở một số quận vào ngày thứ Tư.
Đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ giá dầu. Đồng USD yếu hơn làm dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác, và thúc đẩy nhu cẩu.
Nguồn: Tại đây