Giá mục tiêu 1 năm: 65.000 đồng/cp
Lợi nhuận tăng tốc nhờ cảng Gemalink và Nam Đình Vũ Giai đoạn 2
Luận điểm đầu tư: GMD công bố doanh thu và LNTT Q1/2022 tăng mạnh lần lượt đạt 880 tỷ đồng (+28%) và 350 tỷ đồng (+82%), đây là mức lợi nhuận cốt lõi theo quý cao nhất mà công ty từng ghi nhận – mặc dù Q1 thường là mùa thấp điểm của ngành.
Chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng có thể được duy trì trong năm 2022 nhờ đóng góp của cảng Gemalink và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, chúng tôi ước tính GMD có thể đạt 1.215 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+50,7%) trong năm 2022.
Sau năm 2022, triển vọng tăng trưởng của GMD vẫn rất khả quan với sự đóng góp của cảng Nam Đình Vũ GĐ 2 bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2023 và Gemalink GĐ 2 từ năm 2025. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh là 65.000 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 21,5%.
Các rủi ro đối với khuyến nghị bao gồm: (i) Trung Quốc kéo dài chính sách “Không Covid-19” ảnh hưởng đến sản lượng vận chuyển; (ii) nhu cầu toàn cầu suy yếu do lạm phát cao và/hoặc suy thoái kinh tế; và (iii) cạnh tranh gia tăng trong hệ thống cảng miền Bắc.
Trong Q1/2022, GMD đạt kết quả khả quan với doanh thu và LNTT lần lượt đạt 880 tỷ đồng (+28%) và 350 tỷ đồng (+82%), đây là mức lợi nhuận cốt lõi theo quý cao nhất mà công ty từng ghi nhận – mặc dù Q1 thường là mùa thấp điểm của ngành. Trong khi tăng trưởng sản lượng hợp nhất (không bao gồm Gemalink) ước tính đạt 10% trong Q1, tăng trưởng doanh thu tốt hơn tăng trưởng sản lượng nhờ đẩy mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng và tăng hiệu quả hoạt động.
Hiệu quả sử dụng chi phí cũng được cải thiện với tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu giảm từ 62,3% trong Q1/2021 xuống 60,0% trong Q1/2022, trong khi chi phí bán hàng & quản lý cũng giảm từ 14,6% trong Q1/2021 xuống 12,5% trong Q1/2022. Lợi nhuận từ công ty liên kết tăng gấp 5 lần đạt 125 tỷ đồng, chủ yếu nhờ Gemalink có lãi và SCSC tăng trưởng 36%.
Đóng góp lợi nhuận của Gemalink cho GMD
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 lạc quan
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được ĐHCĐ thông qua, với kế hoạch doanh thu và LNTT lần lượt là 3.800 tỷ đồng (+18,5%) và 1.000 tỷ đồng (+24%). Ngoài ra, GMD đặt kế hoạch phấn đấu với LNTT lên tới 1.200 tỷ đồng (+48,8%). Theo đó, GMD đã hoàn thành 35% kế hoạch phê duyệt và 29% kế hoạch phấn đấu trong Q1/2022.
Kế hoạch tăng vốn và đầu tư
ĐHCĐ đã thông qua phương án phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3:1, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ hiện tại là 3.000 tỷ đồng, với 301 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Nếu kế hoạch này thành công, 100 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành và công ty sẽ huy động thêm được 2.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng cảng Nam Đình Vũ GĐ 2 (800 tỷ đồng), cảng Gemalink GĐ 2 (1.000 tỷ đồng) và các khoản đầu tư khác (200 tỷ đồng). Nam Đình Vũ GĐ 2 dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ Q1/2023, trong khi Gemalink GĐ2 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2025.
Cần lưu ý rằng công suất thiết kế cảng Gemalink GĐ 2 đã được điều chỉnh để có thể tiếp nhận đến 1,5 triệu TEU (so với thiết kế ban đầu là 900 nghìn TEU), nâng tổng công suất của dự án lên 3 triệu TEU. Công suất tăng thêm dựa trên việc bổ sung thêm 2 cẩu bờ STS và đầu tư thêm vào hệ thống ICD.
Thông tin chi tiết về các dự án đang triển khai
Triển vọng
Trong Q1/2022, tổng sản lượng container thông qua các cảng của Việt Nam tăng 6%, đây là mức khá thấp do nhu cầu vận chuyển suy yếu do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine và việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Không-Covid”.
Mặc dù nhu cầu tạm thời chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn căng thẳng do tắc nghẽn ngày càng gia tăng và số lượng lớn tàu đang xếp hàng tại các cảng. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ tăng nhanh sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu bị dồn nén có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, đặc biệt là trong mùa cao điểm Q3 – Q4.
Gemalink tăng sản lượng nhanh chóng và có thể đạt mục tiêu 1,4 triệu TEU trong năm 2022. Gemalink đã xếp dỡ 800 nghìn TEU trong năm 2021, chiếm 15% thị phần tại cụm cảng Cái Mép. Năm 2022, GĐ 1 của dự án sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị với 2 cẩu bờ STS đã được lắp đặt vào tháng 3 và 6 cần cẩu RTG sẽ được lắp đặt vào tháng 7.
Cảng Gemalink đã thực hiện xếp dỡ 300k TEU trong Q1/2022 và đóng góp 38 tỷ đồng lợi nhuận cho GMD. Do Q1 là mùa thấp điểm của ngành, sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và sản lượng mục tiêu 1,4 triệu TEU có thể đạt được. Ở mức này, ban lãnh đạo ước tính Gemalink sẽ đạt mức lợi nhuận 18 triệu USD trong năm 2022.
Hơn nữa, Gemalink được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống cảng của GMD và có tác động tích cực đến các bộ phận khác bao gồm cảng vệ tinh Phước Long ICD và cảng Bình Dương, và xa hơn là các cảng ở phía Bắc bằng cách cung cấp cho khách hàng thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng và các giải pháp logistics tích hợp đầy đủ. GMD có kế hoạch thoái 24% cổ phần tại cảng Gemalink, điều này có thể tạo ra lợi nhuận bất thường cho GMD.
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang trong quá trình thương lượng. Các cảng Hải Phòng lấy lại đà tăng trưởng. Tại cụm cảng Hải Phòng, sản lượng qua cảng của GMD tăng 15% trong Q1/2022, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực là 5%. Đây là một kết quả khá bất ngờ và là một trong những lý do chính giúp công ty đạt tăng trưởng doanh thu cao trong Q1/2022.
Cảng Nam Đình Vũ GĐ 1 đã đạt 70% công suất trong năm 2021, GĐ 2 bắt đầu xây dựng vào tháng 12/2021 và dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong Q1/2023. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, dự án sẽ có tổng công suất 1,5 triệu TEU container và 3 triệu tấn hàng khô.
Sản lượng qua cảng biển nước sâu Lạch Huyện đã phục hồi sau khi giải quyết xong vấn đề cạn luồng, điều này có thể làm gia tăng cạnh tranh cho các cảng sông trong năm 2022. Tuy nhiên, do HICT sắp đạt công suất tối đa và các bến tiếp theo tại Lạch Huyện (số 3 + 4 và số 5 + 6) khó có thể hoàn thành trước năm 2025.
Cảng Nam Đình Vũ và các cảng sông khác sẽ có cơ hội tốt hơn để gia tăng sản lượng với tốc độ tăng của cả khu vực là 500k TEU mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2024. Theo tính toán của chúng tôi, các bến cảng có công suất chưa sử dụng lớn nhất bao gồm Nam Đình Vũ (P2), VIMC Đình Vũ, Mipec và HICT.
Công suất hoạt động tại các bến cảng Hải Phòng
Thoái vốn tại các dự án vườn cao su. GMD có 3 dự án vườn cao su tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 1,8 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty đã trích lập dự phòng 570 tỷ đồng. Với việc cây cao su phát triển tốt, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và giá cao su đang phục hồi, GMD đang cố gắng thoái vốn tại mảng này trong thời gian tới.
Cập nhật ước tính lợi nhuận
Với KQKD tích cực trong Q4/2021 và Q1/2022, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính doanh thu và LNTT của GMD lên 3.742 tỷ đồng (+16,7%) và 1.215 tỷ đồng (+50,7%) trong năm 2022. Các giả định chính thay đổi như sau:
• Sản lượng cảng: Gemalink dự kiến đạt 1,4 triệu TEU trong năm 2022. Tổng sản lượng dự kiến tăng 35,3% (hoặc 11,2% nếu không bao gồm Gemalink).
• Công suất của Gemalink GĐ2 được nâng lên 1,5 triệu TEU, tuy nhiên thời gian hoạt động lùi lại sang năm 2025.
• SCSC: Chúng tôi kỳ vọng LNTT tăng 20% đạt 726 tỷ đồng trong năm 2022.
Bảng ước tính lợi nhuận cho Gemalink