Các quỹ ngoại lần lượt thay nhau giảm sở hữu tại Thế giới di động diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG liên tục giảm sâu, đang “chìm nổi” quanh vùng đáy dài hạn và chưa có dấu hiệu hồi phục…
Quỹ ngoại liên tiếp thoái vốn
Mới đây nhất, Arisaig Asian Fund Limited – quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) thông báo đã bán ra gần 2,4 triệu cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ). Giao dịch được thực hiện vào ngày 11/4 với mục đích tái cơ cấu đầu tư. Ước tính, quỹ ngoại này có thể thu về 105 tỷ đồng từ thương vụ trên. Sau giao dịch, Arisaig Asian Fund còn nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu MWG (tỷ lệ 6,87%)
Không chỉ Arisaig Asian bán ra, trước đó, Dragon Capital cũng có động thái thoái vốn diễn ra trước ngày TGDĐ dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 |
Arisaig Partners là nhóm quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quy mô hàng tỷ USD. Lựa chọn của nhóm chủ yếu là các doanh nghiệp đầu ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn, có lợi thế cạnh tranh, nắm bắt công nghệ và mang lại lợi nhuận cao. Quỹ ngoại này từng thu lợi lớn sau nhiều năm đầu tư vào cổ phiếu VNM (Vinamilk) trước khi rót vốn vào MWG.
MWG là một trong những cổ phiếu ưa thích nhất của nhóm quỹ ngoại này tại thị trường Việt Nam. Với việc MWG thường xuyên kín room, các thành viên thuộc Arisaig Partners trước đây phải mua gom từ các quỹ ngoại khác như Dragon Capital, Pyn Elite Fund,… Giao dịch thường được thực hiện thông qua phương thức thoả thuận qua VSD với mức chênh lệch (premium) lên đến 20% so với thị giá.
Nhóm quỹ từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ và không có tư duy giao dịch cổ phiếu. Vì vậy, việc quỹ ngoại này bất ngờ bán ra hàng triệu cổ phiếu MWG khiến thị trường đặt ra câu hỏi về cổ phiếu MWG.
Đáng chú ý, không chỉ Arisaig Asian bán ra, trước đó, Dragon Capital cũng có động thái thoái vốn diễn ra trước ngày TGDĐ dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (8/4). Qua đó giảm sở hữu tại TGDĐ xuống còn 7,94% vốn điều lệ.
Các quỹ ngoại lần lượt thay nhau giảm sở hữu tại TGDĐ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG liên tục giảm sâu, đang “chìm nổi” quanh vùng đáy dài hạn và chưa có dấu hiệu hồi phục. Chốt phiên 19/4, cổ phiếu MWG đang dừng ở mức 40.500 đồng/cp, giảm khoảng 54% so với đỉnh cách đây một năm.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView) |
Ngược thời gian một năm về trước, cổ phiếu MWG lên đỉnh lịch sử kéo theo giá trị vốn hóa cao kỷ lục đạt xấp xỉ 116.500 tỷ đồng. Thời điểm đó, nền kinh tế đang dần hồi phục sau đại dịch, mang tới kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Các doanh nghiệp bán lẻ được đánh giá cao về khả năng tăng trưởng, trong đó TGDĐ là đầu tàu với hệ thống khổng lồ cùng danh mục sản phẩm đa dạng từ hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng nhanh đến hàng công nghệ, điện máy,…
Tuy nhiên, áp lực lạm phát gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng ngày càng rõ rệt, đặc biệt từ nửa sau của năm ngoái đặt ra không ít thách thức lên tham vọng tăng trưởng của “ông lớn” ngành bán lẻ này. Sau khi đạt đỉnh vào giai đoạn quý IV/2021 – I/2022, doanh thu và lợi nhuận của TGĐĐ liên tục sụt giảm mạnh.
Đỉnh điểm rơi vào quý IV/2022, TGDĐ ghi nhận doanh thu thấp nhất trong 5 quý, đạt xấp xỉ 31.000 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 619 tỷ đồng, giảm đến 60% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2017. Tính chung cả năm 2022, TGDĐ lãi ròng 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước và là lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 2012.
Dấu hỏi về khả năng hồi phục
Trên thực tế, khó khăn vẫn đang kéo dài sang những tháng đầu năm 2023 khi mặt bằng lãi suất vẫn cao, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến sức mua tiêu dùng. Tổng doanh thu 2 tháng đầu năm của TGDĐ giảm 25% so với cùng kỳ, đạt 19.010 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu 2 chuỗi TGDĐ và Điện máy xanh giảm 32% từ nền cơ sở rất cao cùng kỳ năm ngoái (giai đoạn nhu cầu dồn nén đối với sản phẩm công nghệ, điện máy sau Covid).
Hiện tại đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan được đánh giá sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bán lẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 3 ước đạt 501.310 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước, trong đó doanh thu của hầu hết các nhóm hàng đều tăng nhẹ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2023 ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước Covid-19.
Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản tháng 3/2023 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,88% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, lạm phát đang tăng chậm lại, tạo điều kiện cho nhu cầu tiêu dùng phục hồi trở lại thời gian tới.
Đáng chú ý, thông tin Chính phủ đã đồng ý trình phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) lên Quốc hội xem xét được cho là sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp bán lẻ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, những tín hiệu thực sự lạc quan có thể chỉ đến sau nửa đầu năm nay. Dự kiến việc hồi phục cầu tiêu dùng trong nước sẽ cần thêm thời gian. Bởi thực tế cho thấy, doanh thu bình quân cửa hàng của chuỗi TGDĐ và Điện máy xanh của TGDĐ đang trong xu hướng giảm.
“Doanh nghiệp được hưởng lợi cũng chưa thể phản ánh vào kết quả kinh doanh ngay trong quý 2, thậm chí sang quý 3 do độ trễ của các chính sách cộng thêm bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn. Phải tới cuối năm nay và sang tới 2024, nhóm ngành bán lẻ mới có khả năng phục hồi mạnh mẽ”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM nhìn nhận.
VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của TGDĐ trong nửa đầu năm 2023 sẽ giảm 16% so với cùng kỳ với dự báo lợi nhuận 2 chuỗi TGDD – Điện máy xanh giảm 39% và Bách hóa xanh có thể lỗ 434 tỷ đồng.
Nhìn chung, triển vọng kinh doanh chậm lại của “ông lớn” ngành bán lẻ này rất có thể là yếu tố chính khiến cổ phiếu MWG trượt dài, từ đó làm giảm sức hút đối với các quỹ ngoại. Một số chuyên gia lưu ý, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là nếu muốn “lướt sóng” khi cổ phiếu này đang ở giai đoạn đáy.
Nguồn: Tại đây