Cập nhật công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)

KHẢ QUAN – Giá mục tiêu 1 năm: 101.300 đồng/cp

Lợi nhuận duy trì ổn định nhờ giá bán bình quân tăng ở tất cả các thị trường xuất khẩu

Luận điểm đầu tư: VHC công bố KQKD Q1/2022 ổn định, trong đó doanh thu thuần và lợi nhuận ròng tăng lần lượt 83% và 336% so với cùng kỳ. Theo đó, chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VHC và tăng giá mục tiêu 1 năm lên 101.300 đồng/cổ phiếu (+14% so với giá hiện tại) từ 86.800 đồng/cổ phiếu. VHC rất tự tin với nhu cầu tăng mạnh ở hầu hết các thị trường.

Trong thời gian tới, VHC kỳ vọng giá xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay do giá cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản đã neo cao. ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 13 nghìn tỷ đồng (+43,6% so với cùng kỳ) và 1,6 nghìn tỷ đồng (+44% so với cùng kỳ) trong năm 2022.

SSI Research đánh giá lạc quan hơn so với ban lãnh đạo, ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 13,4 nghìn tỷ đồng (+48,2% so với cùng kỳ) và 1,9 nghìn tỷ đồng (+71,1% so với cùng kỳ).

Điểm nhấn ĐHCĐ

Kế hoạch năm 2022: Kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 13 nghìn tỷ đồng (+43,6% so với cùng kỳ) và 1,6 nghìn tỷ đồng (+44% so với cùng kỳ).

Cổ tức: ĐHCĐ thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022 bao gồm: 20% cổ tức bằng tiền mặt (tỷ suất 1,9%) và 20% cổ tức bằng cổ phiếu.

Kế hoạch Capex: Công ty dự kiến chi 1,5 nghìn tỷ đồng, trong đó (i) 100 tỷ đồng cho FeedOne – nhà máy thức ăn thủy sản mới; (ii) 500 tỷ đồng cho Thanh Ngọc Food (TNF); (iii) 280 tỷ đồng để mở rộng diện tích canh tác; và (iv) nâng cấp các cơ sở hiện có. Các công ty mới như FeedOne và TNF dự kiến sẽ chưa ghi nhận lợi nhuận trong năm 2022.

ESOP: Tối đa 2% số cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế giao dịch là 5 năm, và 20% cổ phiếu ESOP được phát hành có thể được phép giao dịch mỗi năm.

Triển vọng năm 2022

(i) Cá tra: Phát triển trung tâm cá giống và mở rộng tổng diện tích nuôi khoảng 100-150 ha, nâng tỷ trọng cá nguyên liệu tự cung tự cấp lên mức 70%. Ngoài thị trường Mỹ (nhu cầu vẫn ổn định), VHC kỳ vọng sẽ có thêm cơ hội từ thị trường Châu Âu và Trung Quốc trong trung hạn.

Đối với thị trường Châu Âu, nhu cầu có thể thay đổi do thuế nhập khẩu giảm từ 5,5% xuống 0% trong năm 2024 (EVFTA) và xung đột giữa Nga-Ukraine gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cá minh thái (pollock). Đối với thị trường Trung Quốc, ban lãnh đạo dự kiến nhu cầu sẽ bị dồn nén khi nền kinh tế mở cửa trở lại, do hàng tồn kho ở mức thấp.

(ii) Collagen và gelatin: Công suất sản xuất gelatin hiện đã đạt mức tối đa (3.000 tấn/năm). Công suất sản xuất collagen (1.000 tấn/năm) dự kiến đạt mức tối đa vào cuối năm.

(iii) Sa Giang (SGC): VHC đang đầu tư nhà máy thứ 3 cho SGC để phát triển các sản phẩm làm từ gạo khác. Công suất hiện tại của bánh phồng tôm SGC là 10.000 tấn/năm; và công suất sản phẩm từ lúa là 6.000 tấn/năm.

Tổng quan ngành

Trong Q1/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD (+46% so với cùng kỳ), trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 955 triệu USD (+44% so với cùng kỳ) và 653 triệu USD (+90% so với cùng kỳ).

Đối với cá tra, thị trường Mỹ dẫn dắt đà tăng trưởng kể từ năm ngoái (+123% so với cùng kỳ), trong khi đó Trung Quốc và Châu Âu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi lần lượt ở mức +163% và +86% so với cùng kỳ. Chúng tôi lưu ý rằng nhu cầu hàng tuần từ Trung Quốc vẫn phục hồi mặc dù tình trạng giãn cách vẫn kéo dài ở các thành phố lớn, gây khó khăn cho việc vận chuyển và giao hàng.

Về giá xuất khẩu, giá bán bình quân FOB trong Q1/2022 tại thị trường Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 4,40 USD/kg (+67% so với cùng kỳ) và 2,50 USD/kg (+40% so với cùng kỳ). Chúng tôi kỳ vọng giá cá tra phi lê tại Mỹ sẽ duy trì ở mức 4,60 USD/kg trong tháng 3/2022 hoặc cao hơn trong suốt cả năm.

Chúng tôi cũng cho rằng giá bán bình quân cá tra ở Trung Quốc sẽ phục hồi khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Đây là một yếu tố quan trọng cần theo dõi, vì Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam (28% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với 24,5% xuất khẩu sang Mỹ). Nhu cầu cá tra từ Trung Quốc luôn biến động.

Về phía nguồn cung, giá cá nguyên liệu và cá giống tiếp tục tăng lên lần lượt là 32.000 đồng/kg (+52% so với cùng kỳ) và 44.000 đồng/kg (+50% so với cùng kỳ) trong tháng 3/2022. Với mức giá cao như vậy khuyến khích các nhà cung cấp tăng cường canh tác.

Theo Agromonitor, nguồn cung cá nguyên liệu dự kiến sẽ tăng 10% trong tháng 4/2022 và 15% trong Q2/2022, điều này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung sẽ giảm dần trong Q2/2022. Điều này phù hợp với quan điểm của chúng tôi [link]. Do đó, chúng tôi ước tính giá cá nguyên liệu sẽ đạt mức cao nhất trong Q4/2018 là từ 36.000-40.000 đồng/kg trong Q2/2022.

Cũng theo Agromonitor, các nhà cung cấp thức ăn thủy sản cũng đã tăng giá bán bình quân 3 lần trong Q1/2022, đẩy chi phí thức ăn chăn nuôi cao hơn 25% so với đầu năm. Chi phí vận chuyển cũng tăng +81% so với cùng kỳ, nhưng giảm dần vào cuối tháng 3 do chính sách giãn cách xã hội do Covid-19 ở Trung Quốc.

Trong Q1/2022, VHC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 3,3 nghìn tỷ đồng (+83% so với cùng kỳ) và 553 tỷ đồng (+321% so với cùng kỳ), hoàn thành 25% và 34% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng trong năm 2022.

Chúng tôi lưu ý rằng Q1/2021 có nền cơ sở thấp, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy đây là mức tăng trưởng ổn định so với Q4/2021 là nền cơ sở cao. Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu thuần của VHC phù hợp với mức tăng trưởng của các ngành là 90% so với cùng kỳ và các công ty niêm yết trong ngành, như IDI là 86% và ANV là 50%.

Biên lợi nhuận gộp đạt 23,8%, cao hơn nhẹ so với mức 23,7% trong Q4/201 do giá bán cá tra tăng lên 4,8 USD/kg (+26% so với đầu năm), trong khi chi phí thức ăn thủy sản và chi phí nguyên liệu cá tăng lần lượt 25% và 22% so với đầu năm.

Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu ở mức 4,4% trong Q1/2022, thấp hơn mức 5,7% trong Q4/2021 do tỷ lệ đơn đặt hàng cá tra FOB cao hơn (chiếm 80% doanh thu), mặc dù chi phí vận chuyển trong Q1/2022 tăng.

Luận điểm đầu tư và định giá

Chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính năm 2022 cho VHC do kết quả kinh doanh ổn định trong Q1/2022. Năm 2022, chúng tôi ước tính VHC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 13,4 nghìn tỷ đồng (+48,2% so với cùng kỳ) và 1,9 nghìn tỷ đồng (+71,1% so với cùng kỳ).

Chúng tôi nâng ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ cá tra và giả định giá bán bình quân lên 13% so với cùng kỳ (từ 8%) và 4,6 USD/kg (từ 4 USD/kg). Ước tính lợi nhuận ròng hiện tại cao hơn 28% so với ước tính trước đó. Tại mức giá 89.200 đồng/cổ phiếu, VHC giao dịch với P/E 2022 là 8,6x.

Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu VHC, với giá mục tiêu 1 năm là 101.300 đồng/cổ phiếu (+14% so với giá hiện tại) từ 86.800 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi duy trì hệ số P/E mục tiêu là 13x cho mảng wellness và SGC, đồng thời giảm P/E mục tiêu từ 10x xuống 9x cho mảng cá tra, vì chúng tôi cho rằng lợi nhuận ròng ở mảng cá tra có thể đạt đỉnh trong năm 2022.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *