MUA – Giá mục tiêu 1 năm: 32.500 đồng/cp
Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhờ giá dầu tăng mạnh và sản lượng tốt
Chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu BSR từ 28.000 đồng/cp lên 32.500 đồng/cp với kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 15% so với năm 2021. Lợi nhuận quý 1 của Công ty có thể ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ 40-50% so với cùng kỳ nhờ việc tăng công suất hoạt động cũng như việc giá dầu và giá thành phẩm tăng mạnh. BSR là một trong những công ty có kết quả kinh doanh bám sát giá dầu nhất và định giá hấp dẫn nhất trong ngành với PE dự phóng 2022 ở mức 11,5 lần. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để mua vào cổ phiếu. Rủi ro lớn nhất của cổ phiếu là việc giá dầu điều chỉnh mạnh.
Sản lượng tiêu thụ có thể ghi nhận tăng trưởng trong quý 1: Chúng tôi ước tính sản lượng trong quý 1 của BSR đạt 1,7 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu thị trường ổn định và việc nhà máy Nghi Sơn giảm công suất hoạt động do các vấn đề về tài chính. Do vậy BSR hiện đã nâng công suất hoạt động lên 105%. (Sản lượng sản xuất xăng dầu của BSR và nhà máy lọc đầu Nghi Sơn năm 2021 gần tương đương nhau ở mức lần lượt 6,5 triệu m3,tấn và 6,7 triệu m3, tấn, tổng cộng chiếm khoảng 65-70% tổng lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa)
Giá dầu tăng mạnh giúp Công ty có thể hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho giá thấp: Giá dầu Brent đã tăng mạnh hơn 40% từ đầu năm lên vùng 110-120 USD/thùng do sự phục hồi nhu cầu và lo ngại về sự đứt gãy nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraina. Theo IEA, Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai với sản lượng xuất khẩu dầu thô khoảng 5 triệu thùng/ngày, chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út. Nếu tính cả sản lượng xăng dầu và hóa dầu thành phẩm thì Nga là quốc gia xuất khẩu lớn nhất với sản lượng 7,8 triệu thùng/ngày.
Do vậy, việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể gây nên ảnh hưởng lớn đối với chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và tác động mạnh đến giá dầu thô trong ngắn hạn. Việc giá dầu có xu hướng tăng giúp BSR có thể hưởng lợi từ lượng hàng tồn kho giá thấp trong quý 1/2022. Hàng tồn kho của BSR đạt mức 10,3 nghìn tỷ đồng cuối năm 2021.
Chênh lệch giữa các sản phẩm hóa dầu và dầu thô tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2022: Mức chênh lệch giữa giá các sản phẩm xăng dầu, hóa dầu và dầu thô (crack spread) có xu hướng tăng lên mức trên 10 USD/thùng trong các tháng đầu năm 2021 so với mức 5-8 USD/thùng trong các quý năm 2021. Điều này giúp Công ty có thể gia tăng biên lợi nhuận do giá đầu ra tăng nhanh hơn giá đầu vào.
Chênh lệch giữa trung bình giá xăng dầu cơ sở Singapore và giá dầu Brent (USD/thùng)
Cấu trúc tài chính vững chắc với giá trị tiền mặt ròng dương tại thời điểm cuối năm 2021: Với việc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh lên mức 8,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, BSR ghi nhận lượng tiền mặt rất cao 20,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm ngoái. Sau khi trừ đi khoản nợ vay 10.8 nghìn tỷ, BSR vẫn sở hữu giá trị tiền ròng 9,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 26% vốn chủ sở hữu.
Chúng tôi dự báo Công ty có thể ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 7.740 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 15,5% so với năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận quý 1 có thể ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 40-50% so với cùng kỳ.
Rủi ro: BSR là một cổ phiếu có tính hàng hóa cao với kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu có mức độ biến động khá sát giá dầu. Do vậy trong trường hợp giá dầu đảo chiều mạnh, giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư nên cân nhắc áp dụng điểm cắt lỗ để hạn chế rủi ro trong trường hợp này.
Nhận định PTKT
BSR là một cổ phiếu có độ tương quan cao với giá Dầu (88,72%, độ tin cậy 79%); vì vậy, cùng với việc xu hướng tăng trên giá Dầu chưa có dấu hiện hạ nhiệt thì BSR cũng sẽ nhận được tác động tích cực trong ngắn hạn. Theo PTKT, với việc phá kháng cự là vùng đỉnh 25.600 được hình thành vào tháng 11/2022, BSR có nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục đi lên với mục tiêu đầu tiên nằm tại 32.000 và mục tiêu thứ hai nằm tại 34.000. Mức dừng lỗ nằm tại 25.000.