Tăng trưởng giảm tốc, định giá hợp lý hơn
Sau khi DGW công bố lợi nhuận cao kỷ lục 327 tỷ đồng (+234% so với cùng kỳ) trong Q4/2021, chúng tôi nâng khuyến nghị cổ phiếu từ TRUNG LẬP lên KHẢ QUAN khi tăng giá mục tiêu 1 năm thêm 10.000 đồng/cổ phiếu (8,3%) lên 130.000 đồng/cổ phiếu – tiềm năng tăng giá là 12,2%. Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng 4% ước tính lợi nhuận ròng so với ước tính trước đó lên 806 tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ).
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đến từ các yếu tố sau: (i) dòng sản phẩm mới (thiết bị gia dụng); (ii) nhu cầu máy tính xách tay tiếp tục tăng do sinh viên phải thích ứng với quy trình học tập mới; và (iii) chi tiêu không thiết yếu phục hồi. Chúng tôi cho rằng thị trường đã phản ứng xong việc FPT Synnex trở thành nhà phân phối sản phẩm của Xiaomi và sẽ tích cực mua cổ phiếu khi có giá thấp. Giá cổ phiếu DGW hiện giao dịch với mức P/E 2022 là 12,1x, khá hấp dẫn cho một công ty hưởng lợi từ xu hướng số hóa và sự phục hồi lợi nhuận, và mức định giá này khá hấp dẫn so với P/E trung bình 2 năm gần đây là 15x.
Kết quả kinh doanh Q4/2021
Doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của DGW tăng mạnh trong Q4/2021 lần lượt đạt 7,9 nghìn tỷ đồng (+97% so với cùng kỳ và 107% so với quý trước) và 327 tỷ đồng (+ 234% so với cùng kỳ và 205% so với quý trước). Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 21 nghìn tỷ đồng (+67% so với cùng kỳ) và 658 tỷ đồng (+146% so với cùng kỳ), hoàn thành 138% và 219% kế hoạch năm 2021.
• Doanh thu máy tính xách tay & máy tính bảng đạt mức tăng trưởng cao kỷ lục 179% so với cùng kỳ do nhu cầu làm việc/học tập tại nhà tăng cao. Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ kể từ tháng 10, việc học tập online vẫn được duy trì ở hầu hết các tỉnh thành trên khắp cả nước – thúc đẩy nhu cầu rất lớn đối với sản phẩm này. Các thương hiệu mới được bổ sung trong năm là MSi và TCL.
• Doanh thu điện thoại di động tăng 57% so với cùng kỳ do nhiều yếu tố như: (i) iPhone 13 ra mắt sớm; (ii) Điện thoại di động Xiaomi tiếp tục giành thị phần; và (iii) nhu cầu bị kìm hãm sau thời gian giãn cách trong Q3/2021 (doanh thu trước đó đã giảm -26% so với cùng kỳ trong Q3/2021).
• Doanh thu mảng thiết bị văn phòng tăng vọt 95% so với cùng kỳ, sau khi chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 13% so với cùng kỳ trong Q3/2021. Các thương hiệu mới trong năm bao gồm: Samsung, Choetech và Biostar. Trong số các sản phẩm thiết bị văn phòng, các sản phẩm IoT (đồng hồ thông minh, tai nghe, camera), máy chủ & thiết bị lưu trữ có mức tăng trưởng cao nhất. Các sản phẩm IoT được mua cùng với điện thoại di động, trong khi nhu cầu về máy chủ & thiết bị lưu trữ tăng lên cùng với xu hướng số hóa, vốn đã tăng tốc trong thời kỳ dịch bệnh.
• Hàng tiêu dùng có mức tăng doanh thu khiêm tốn là 15% so với cùng kỳ. Công ty đã ký hợp đồng với Genacol để phân phối thực phẩm chức năng, và RapidFor để phân phối bộ xét nghiệm nhanh COVID-19.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 6,3% trong Q4/2020 lên 7,7% trong Q4/2021, do sự tăng trưởng tích cực của mảng có biên lợi nhuận cao như máy tính xách tay và thiết bị văn phòng. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về máy tính xách tay tăng cao cùng với tình trạng thiếu chip, giá bán cao hơn đã thúc đẩy biên lợi nhuận mặc dù giá vốn tăng. Biên lợi nhuận ròng cũng tăng từ 2,4% trong Q4/2020 lên mức cao lịch sử là 4,1% trong Q4/2021. Tháng 1/2022, doanh thu đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (+50% so với cùng kỳ). Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng Q1/2022 lần lượt đạt 7 nghìn tỷ đồng (+40% so với cùng kỳ) và 200 tỷ đồng (+87% so với cùng kỳ).
Triển vọng năm 2022
• Máy tính xách tay: Tăng mạnh 82% so với cùng kỳ trong năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu máy tính xách tay sẽ tăng hơn nữa trong năm 2022 nhưng với tốc độ chậm lại (khoảng +23% so với cùng kỳ, đạt 9,7 nghìn tỷ đồng). Mặc dù các trường học trên tất cả các tỉnh thành cả nước dần mở cửa trở lại vào cuối tháng 2, chúng tôi ước tính nhu cầu về máy tính xách tay vẫn sẽ tăng lên, vì học sinh cần trang bị đề phòng trường hợp có khả năng bùng phát dịch COVID-19 trở lại. Các hợp đồng được ký vào cuối năm 2021 (MSi và Alcatel) cũng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của DGW trong năm 2022.
• Điện thoại di động: Ngày 19/01/2022, Xiaomi và FPT Synnex đã ký kết thỏa thuận phân phối chiến lược, theo đó FPT Synnex sẽ trở thành nhà phân phối chính thức điện thoại di động và thiết bị gia dụng thông minh của Xiaomi tại Việt Nam. Như vậy, DGW đã mất danh hiệu là nhà phân phối độc quyền điện thoại di động Xiaomi tại Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi ước tính doanh thu đến từ điện thoại di động của Xiaomi sẽ giảm -10% so với cùng kỳ.
DGW sẽ tiếp tục cung cấp toàn bộ các dịch vụ mở rộng thị trường (bao gồm tiếp thị, phân phối và dịch vụ bảo hành), trong khi FPT Synnex chỉ là nhà phân phối thuần túy. Đối với iPhone, chúng tôi ước tính doanh thu tăng 32% so với cùng kỳ, do công ty tiếp tục giành được thị phần từ iPhone xách tay, ngoài ra giá của mẫu iPhone tiếp theo có thể cao hơn mẫu hiện tại. Do đó, doanh thu từ điện thoại di động ước tính đạt 9,98 nghìn tỷ đồng (đi ngang so với cùng kỳ).
• Thiết bị văn phòng (bao gồm cả thiết bị gia dụng): Chúng tôi ước tính mảng này thu được 6 nghìn tỷ đồng (+111% so với cùng kỳ), nhờ: (i) các sản phẩm mới mang thương hiệu Whirlpool và Joyoung; (ii) TV nhãn hiệu Xiaomi; và (3) xu hướng số hóa đang diễn ra. DGW đã ký hợp đồng phân phối thiết bị gia dụng Whirlpool (tủ lạnh, máy giặt, máy hút mùi và các thiết bị khác) vào cuối năm 2021. Công ty sẽ cung cấp gói dịch vụ đầy đủ cho thương hiệu này (dịch vụ tiếp thị, phân phối và bảo hành). Giá bán bình quân của các sản phẩm Whirlpool thuộc nhóm trung bình cao tại Việt Nam.
• Hàng tiêu dùng: Chúng tôi ước tính doanh thu tăng 22% so với cùng kỳ đạt 460 tỷ đồng, phù hợp với kế hoạch của công ty.
Nguồn: DGW, SSI Research