Kỳ vọng giá phân bón tăng
Đạm Cà Mau cùng với Đạm Phú Mỹ là 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và hóa chất. Trong đó, nhà máy Đạm Cà Mau có công suất đạt 800 ngàn tấn/năm. Cơ cấu doanh thu Ure tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu chiếm đến 72% doanh thu năm 2021.
Năm 2021, doanh thu thuần và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ DCM lần lượt đạt 9.870 tỷ và 1.918 tỷ đồng, tăng 31% và 190% cùng kỳ: 1) sản lượng tiêu thụ đạt 1,02 triệu tấn, tăng 19%YoY; 2) biên lợi nhuận gộp đạt 28,9%, tăng mạnh so với mức 17,4% cùng kỳ nhờ giá bán khả quan; 3) doanh thu tài chính tăng 31% trong khi chi phí tài chính lại giảm 46% cùng kỳ.
Biến động bất ngờ từ cuộc chiến Nga – Ukraine và những động thái đáp trả từ các nhóm nước Châu Âu, Mỹ, Châu Á, … đối với Nga. Điều này có thể khiến Nga gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mình. Trong đó, Nga nhiều khả năng sẽ bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu phân bón. Năm 2021, Nga đang là quốc gia xuất khẩu Ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn. Việc Nga gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sẽ tạo cơ hội do các doanh nghiệp phân bón với kỳ vọng cả sản lượng và giá bán đều có thể hưởng lợi do sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ trên thế giới.
Năm 2022, dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông mẹ đạt 11.299 tỷ và 2.572 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,5% và 34,1% so với cùng kỳ: 1) sản lượng tiêu thụ kỳ vọng đạt 1,08 triệu tấn, tăng 4% cùng kỳ; 2) biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 32,1% với giá bán bình quân mỗi tấn tăng 8% cùng kỳ; 3) doanh thu tài chính tăng 10%YoY, trong khi chi phí tài chính giảm 15%YoY.
Chúng tôi đánh giá TÍCH CỰC dành cho DCM: 1) kỳ vọng hưởng lợi năm 2022 ở cả sản lượng lẫn giá bán tiêu thụ; 2) tình hình tài chính lành mạnh; 3) vị thế dẫn đầu ngành phân bón ở Việt Nam và nhiều cơ hội tăng xuất khẩu ra thế giới.